Lễ hội

Lễ Hội thi giã bánh dầy làng Mộ Chu Hạ - Bạch Hạc

Nằm bên tả ngạn sông Hồng cách không xa nơi hội tụ 3 dòng sông lớn về phía Đông Nam có một làng cổ Mộ Chu Hạ. Xưa kia làng Mộ Hạ thuộc tổng Mộ Chu phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên nay thuộc phường Bạch Hạc - thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ. Nhắc đến Mộ Chu là người ta nghĩ tới hoạt động văn hoá dân gian giã bánh dầy truyền thống duy trì hàng năm phục vụ giỗ tổ Hùng Vương. Sự tích bánh chưng, bánh dầy từ thủa Lang Liêu, câu chuyện về chàng hoàng tử thứ 18 con của Hùng Hoa Vương.

Nhận lời vua cha các anh em của chàng toả đi khắp nơi tìm của ngon vật lạ làm lễ vật năm mới mừng thọ nhà vua sống lâu ngàn tuổi, chúc cho giang sơn bền vững, dân chúng ấm no, người con nào có lễ vật được vua ưng ý sẽ truyền ngôi báu cho. Trong cái ồn ào sôi động của cuộc săn tìm sơn hào, hải vị, vật báu để tiến sát đến chiếc ngai vàng. Hoàng tử Lang Liêu đắn đo suy nghĩ. Các anh đã đi khắp nơi chân trời góc bể săn lùng của báu, vậy ta có thể tìm được gì hơn, khác thường những thứ mà các anh mang về như chim trĩ, chim công, sừng tê, đồi mồi, ngà voi... Đối với vua cha đó đâu phải là những sản vật quý giá. Nơi Lang Liêu ở cũng gần ngã ba Hạc, đó là vùng nước thường dâng lên sa bồi màu mỡ, người dân cần cù 2 vụ lúa ngô. Vào 1 đêm rằm tháng chạp trăng sáng tỏ tiết trời càng se lạnh chàng Lang Liêu bỗng thấy dâng lên trong không gian mùi thơm quen thuộc, chàng kịp nhận ra đó là hương lúa nếp vụ mười. Lang Liêu chợt hiểu ra đây chính là lời giải cho điều mà những ngày qua chàng vẫn băn khoăn chăn trở. Chờ mãi rồi cũng đến ngày các hoàng tử phải dâng lễ vua cha, từ sớm đến chiều vua cha chưa ưng ý lễ vật của người nào. Tiếng truyền sang sảng mời hoàng tử Lang Liêu dâng lễ. Lang Liêu từ tốn bước tới quỳ trước bệ rồng dâng lời chúc thọ rồi mở khăn điều ra. Cả nhà vua và 100 quan đều kinh ngạc vì quả là vật lạ chưa từng thấy bao giờ. Một chiếc bánh vuông màu xanh, và 1 chiếc bánh tròn đầy đặn màu trắng tinh khiết như bầu trời buổi quang mây. Nhà vua tươi cười nói: “Hai thứ bánh này quả là những thứ mà ta và các ngươi chưa từng thấy bao giờ”. Bánh tròn là tượng trưng cho trời, bánh vuông là tượng trưng cho đất đó chính là cội nguồn âm dương sự sống. Là trời nên chỉ 1 màu trắng tròn nên gọi là bánh dầy, là đất cho nên có hình vuông có cỏ cây, lúa, đỗ và thịt động vật  gói bên trong gọi là bánh chưng. Sản vật đã nói lên sự giàu có của đất nước với bàn tay của con người làm ra. Nhà vua bước đến bên Lang Liêu đặt tay lên đầu chàng và nói ta sẽ truyền ngôn báu cho con. Các hoàng tử và trăm quan đến tung hô chúc nhà vua sống lâu ngàn tuổi, chúc mừng Lang Liêu. Chàng hoàng tử thứ 18 lên nối ngôi lấy hiệu là Hùng Huy Vương (Vua Hùng thứ 7). Lễ hội của dân làng Mộ Chu Hạ không gì hơn ngoài việc ôn lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Nhớ các vua Hùng dạy dân trồng lúa, nhớ sản vật trời đất ban cho. Ngoài ý nghĩa gắn liền với thời kỳ Hùng Vương, bánh dầy làng Mộ Hạ còn có những nét riêng, nét đẹp trong cuộc thi gắn với lịch sử 1 vị vua, vị hoàng đế tiền Lê (Lê Đại Hành). Trong công cuộc chống Tống của nhân dân ta, một lần thập đạo tướng quân Lê Đại Hành cho quân sĩ rút lui đến làng Mộ Chu thì trời tối, người ngựa đều mệt mỏi. Vua cho quân sĩ nghỉ ngơi, sáng hôm sau dân làng giã bánh dầy cho vua và binh lính mang theo làm lương thực (hôm đó là 10/giêng). Kể từ đó 1 năm 2 lần hội thi giã bánh dầy vào dịp 10/giêng và 10/3 (AL) đã trở thành truyền thống của người dân làng Mộ Hạ Bốn giáp: Giáp đông, giáp tây, giáp nam, giáp bắc tương đương với 4 dòng họ lớn trong làng và ứng với các màu quần áo: xanh, đỏ, trắng, vàng cùng với khăn đai đồng phục. Sự công phu do quá trình chuẩn bị thể hiện rõ tầm quan trọng của một lễ hội lớn linh thiêng hàng năm. Trước hàng tháng người dân của 4 giáp chuẩn bị chày 4 chiếc (tre bánh tẻ), cối,  gạo nếp 10kg được các nam thanh nữ tú chọn kỹ không lẫn hạt tẻ, trẻ giã bánh 4 vận động viên,  các bô lão đảm nhiệm khâu quan trọng bắt bánh và tế lễ phải là người mà gia đình song toàn không vướng bụi. Chiều ngày 9/giêng phần tế lễ diễn ra tại đình làng Mộ Hạ trong phần tế lễ có 1 khâu quan trọng của ngày hôm sau liên quan đến giã bánh, đó là đi  lấy nước từ Ngã ba sông Hạc về để ngâm gạo và thổi xôi. Sáng ngày 10/giêng khi công tác chuẩn bị của 4 giáp được hoàn tất, chọn giờ hoàng đạo ông chủ lễ đánh hồi trống hiệu lệnh chạy quân xung quanh đình. Sau đó 4 đội tề tựu trước sân thành 4 hàng dọc làm lễ trước khi vào cuộc thi. Ông chủ tế hô to, theo nhịp các vận động viên giãn đều bái theo mệnh lệnh: thiên bái - bái trời, địa bái - bái đất, thánh bái - bái người được thờ. Lúc này xôi cũng gần được chỉ chờ lệnh phát ra là những vận động viên bếp núc đổ xôi vào cối. Một hồi trống rung lên cả 4 bếp đều đã đưa xôi vào cối, tiếng hò reo ca múa hừng hực khí thế của những nam thanh nữ tú xen lẫn tiếng chày nhịp nhàng nâng lên hạ xuống khối bột nếp trắng mịn tinh khiết. Sự khéo léo kỹ thuật của các vận động viên đã khiến cho khối bột nếp, dẻo mịn kia qua tay nghệ nhân bắt bánh không chuyên, trong chốc lát đã trở thành những chiếc bánh tròn xinh sắn đặt trên đĩa lót lá chuối xanh, sản phẩm cuối cùng của cuộc thi bánh dầy truyền thống. Chọn 4 giáp mỗi giáp 3 chiếc, bánh dầy đẹp nhất, Ông chủ tế vào làm lễ cầu chung cho cả làng an khang thịnh vượng. Hội làng khép lại người dân lại náo nức chờ ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 (ÂL) mọi công tác chuẩn bị của 4 giáp  biểu diễn tại lễ hội Đền Hùng được chuẩn bị chu đáo công phu. Trước khi lên phục vụ hội phải trải qua ít nhất 2 lần tập luyện, 1 lần tổng duyệt cho sự thành thục trong mỗi tư thế, kỹ xảo giã bánh, bắt bánh, thổi xôi, để vừa làm cho mỗi tư thế vừa giữ được truyền thống lại có nét biểu diễn nghệ thuật trong đó. Bánh dầy giã xong được trọn đủ 18 chiếc bánh đẹp nhất của 4 giáp dâng lên đền Thượng làm lễ mong Vua Hùng ban phước cho muôn dân năm đó. Hội thi giã bánh dầy phục vụ giỗ tổ Hùng Vương khép lại nhưng mãi đọng trong lòng dòng người đi hội là sự đoàn kết, thống nhất của con Lạc cháu Hồng biết trân trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và sớm bảo tồn loại hình di sản văn hoá phi vật thể trên quê hương đất Tổ.

(Nguồn: www.phutho.gov.vn)


Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *