Lễ hội
Lễ hội thờ Bà Mẫu
Hiện nay, ở Quảng Ngãi còn hàng trăm dinh, miếu thờ Mẫu, thờ nữ thần, như Thiên Y A Na, Ngũ Hành, Thủy Long, Cửu Thiên Huyền nữ, Tứ vị Thánh nương..., ngoài Lý Sơn còn có thờ bà Phạm Tiên Điều (tức bà Roi). Người Quảng Ngãi gọi chung cho tất cả các Mẫu, các nữ thần đều là Bà. Tiêu biểu cho những điểm thờ Bà là dinh thờ Thiên Y A Na ở xóm Trung Yên (An Hải, Lý Sơn), và đặc biệt là ở điện Trường Bà ở Trà Xuân (Trà Bồng).
Lễ hội điện Trường Bà
Điện Trường Bà (còn gọi là Mao Đình Nhứt Ốc, hay Chùa Bà) thờ chánh thần là Thiên Y A Na, có phối thờ Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh nương, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh, và các vị thiên thần, nhiên thần khác. Ngoài ra, căn cứ theo bài văn tế bằng chữ Hán còn lưu giữ, thì điện Trường Bà còn thờ hai vị nhân thần là Trấn Quốc công (Bùi Tá Hán) và Quan Chiếu Vương (Mai Đình Dõng) cùng một vị thần vốn là một con vật, đó là Thần Hổ, với danh xưng là Bạch Hổ sơn quân (có miếu thờ cách điện Trường Bà khoảng 1km).
Hàng năm vào ngày 15 và 16.4 âm lịch, người dân ở thị trấn Trà Bồng, gồm người Việt, người Cor (trước đây còn có người Hoa), cùng tổ chức lễ hội tại điện thờ này. Việc tế tự chủ yếu theo các lễ thức quy định trong "Thọ Mai gia lễ" như các lăng, miếu thờ đã nói ở trước, tức bao gồm lễ yết, chánh tế, và trong các buổi tế này cũng theo các bước từ sơ hiến, á hiến, chung hiến. Tuy nhiên có một điều đặc biệt là, vào thời khắc giao điểm giữa ngày 15 và ngày 16 (nửa đêm), người dân nơi đây bày soạn các lễ vật, gồm bò, heo, và những vật phẩm khác để cúng ngoài sân điện. Các bàn lễ vật này hướng về phía núi, với những lời khấn cầu tỏ lòng tri ân các vị thiên thần, nhiên thần, các âm binh, âm hồn... Lễ tế đó gọi là lễ ngoại đàn, là một lễ thức vốn được quy định trong các hương ước xưa ở các làng xã mà nay nhiều nơi đã mất. Tuy nhiên, lễ ngoại đàn tại điện Trường Bà có quy mô to lớn hơn những nơi khác, mang thêm một sắc thái mới, với việc tri ân những người khai mở đất đai, sông núi trên vùng đất này.
Vào ngày chánh tế, tất cả nhân dân tại Trà Xuân và các làng nóc lân cận, người Việt lẫn người Cor đều đến tham dự lễ tế. Trong buổi chánh tế, còn có múa lân, ban nhạc lễ (ngũ âm, đội trống), múa cà đáo/đáu của người Cor cùng múa hát hầu thần.
Kết thúc lễ chánh tế là bước vào hội. Ban tế tự, gồm chánh tế, bồi tế, các học trò gia lễ cùng đội lân, đội múa cà đáo, ban nhạc ngũ âm, đội trống (đại cổ, tiểu cổ) cùng rước vong Bà (được thể hiện bằng bức ảnh chụp bức tượng Bà trong điện) ra trước cổng điện và đưa ảnh bà đặt lên cao, quay mặt hướng ra trước đền. Lễ thức này gọi là lễ rước vong Bà. Sau lễ rước vong Bà, là tiếp tục múa lân, múa cà đáo, thi đấu bóng chuyền, cờ tướng và buổi tối là diễn các tuồng hát bội. Theo người dân địa phương, trước năm 1975 còn có đông đảo người Hoa ở nhiều nơi trong tỉnh, và người Hoa ở Hội An đến cúng tế và dâng nhiều lễ vật. Dấu ấn của người Hoa còn lưu lại rõ nhất là hiện trong điện còn một ban thờ thờ Quan Công (cùng Quan Bình và Chu Xương/Thương), trong hệ thống kiến trúc, các hoa văn trang trí trong điện... Có lẽ không có lễ hội nào trong tỉnh lại có các dân tộc Kinh - Thượng - Hoa cùng tham gia như lễ hội điện Trường Bà, và tất cả đều xem Bà là Mẫu, là Mẹ chung của các dân tộc, dù có thể Bà nguyên là một nữ thần Chăm (Pô Inư Naga/Thiên Y A Na) mà hiện nay nhiều nơi trong tỉnh nói riêng, trong vùng Nam Trung Bộ nói chung còn thờ phụng và tế tự hàng năm, như ở tháp Bà Pô Naga (thành phố Nha Trang) chẳng hạn. Hiện nay, do điều kiện kinh phí, lễ hội điện Trường Bà chỉ tổ chức với quy mô hai năm một lần.
Lễ hội miếu Bà (Yên Phú)
Tại miếu Bà nằm ở thôn Yên Phú, xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, hàng năm người ta tổ chức lễ hội tế Bà xuân thu nhị kỳ. Kỳ xuân chỉ trầm trà hoa quả, kỳ thu, vào đúng dịp rằm tháng Bảy, lễ tế Bà được tổ chức quy mô hơn. Theo các bài vị trong miếu thì miếu Bà có chánh thần là Ngũ Hành Thượng giới, các nữ thần phối thờ là Linh Sơn Thánh Mẫu, Tây Vương Mẫu - là những Mẫu được du nhập từ Trung Hoa, theo bước chân những người Hoa vùng Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông... ngụ ở đây từ nhiều thế kỷ trước. Nhưng theo sắc phong còn lưu trong miếu thì đây có thể mới đầu là nơi thờ Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh nương. Trong miếu còn thờ nhiều vị thần khác, có cả Phật Bà và các nam thần. Bên ngoài miếu thờ âm hồn. Hiện nay người ta đưa vào trong miếu quá nhiều ban thờ, nên việc thờ phụng hết sức lai tạp. Trong miếu còn giữ các hiện vật quý: một chiếc ấn, một sắc phong thần, một chang tóc phụ nữ (như chang tóc được thờ trong miếu Bà Thu Bồn ở Quảng Nam). Vào ngày rằm tháng Bảy hàng năm, người ta tổ chức cúng tế các nữ thần, các vị thần phối thờ và âm hồn. Người dân Phú Thọ (gồm người Việt và trước đây còn có một bộ phận đông đảo người Hoa) làm hàng trăm linh vị, hàng trăm cỗ xôi bánh để cúng tế, đặc biệt là cúng ngoài sân. Sau lễ tế, họ còn làm lễ thả thuyền tống ôn và phóng đăng trên sông Cổ Lũy - Phú Thọ. Hàng ngàn chiếc đèn ngũ sắc và thuyền lễ được thả trôi dọc sông, từ miếu Bà ra đến tận cửa Đại Cổ Lũy, hết sức lung linh, huyền ảo.
Cách tổ chức lễ hội ở miếu Bà cũng giống như lễ tế cầu an, cầu siêu ở một số dinh miếu khác, như ở lăng Cổ Lũy Nam, cách miếu Bà chừng 500m, tức có lễ tế, có thả đèn trên sông và cả làm lễ tống ôn, mặc dầu lăng Cổ Lũy Nam thờ thần Cá Voi. Nói chung, các lễ hội ở vùng Cổ Lũy, Phú Thọ cũng đã pha tạp nhiều, nhưng hàng năm vẫn thu hút hàng ngàn người tham dự.
(Nguồn: quangngai.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch