Lễ hội

Lễ hội tín ngưỡng

Do đặc điểm sống chung của 3 dân tộc Việt Khmer - Hoa, Cần Thơ có khá nhiều lễ hội. Số lễ hội này bắt nguồn từ tập quán cổ truyền hoặc do tín ngưỡng dân gian của mỗi dân tộc tạo nên. Song song với các sinh hoạt tôn giáo, hầu hết đồng bào có đạo cũng như không có đạo đều giữ tập quán thờ cúng tổ tiên, ông bà, một tín ngưỡng dân gian truyền thống; một bộ phận khá đông tham gia sinh hoạt lễ hội dân gian chứa đựng những yếu tố tín ngưỡng.

Quá trình sống chung của 3 dân tộc nên việc sinh hoạt lễ hội - tín ngưỡng được cộng đồng thừa nhận trở thành chính thức ở địa phương.

- Lễ hội:

+ Tết Nguyên đán: Là lễ hội trung tâm của dân tộc, theo phong tục ngàn đời của người Việt và người Hoa. Đến nay, người Khmer cũng tham gia sinh hoạt như ngày Tết của mình. Tết Nguyên đán là thời điểm mở đầu của một chu kỳ mới của vòng quay trái đất tạo ra bốn tiết Xuân Hạ Thu Đông, mang ý nghĩa đặc biệt đối với vạn vật và con người. Tết là dịp “tính sổ” mọi hoạt động của một năm cũ, chào đón một năm mới với ước mơ tốt đẹp. Trước hết, Tết Nguyên đán là Tết của gia đình, là dịp họp mặt đông đủ người thân làm lễ cúng vái tổ tiên`, mừng thọ ông bà cha mẹ, thăm hỏi chúc an anh em họ hàng trong thân tộc khi mỗi người thân nhận thêm một tuổi (tuổi mụ). Kế đến Tết Nguyên đán là Tết của mọi nhà, của chòm xóm quê hương. Vì vậy, tuy Tết chỉ diễn ra mấy ngày (trước kia 7 ngày, nay còn 3 ngày), nhưng mỗi người, mỗi gia đình đều có ý thức chuẩn bị từ lâu và đã có những lễ tiết diễn ra từ tháng chạp âm lịch:

- Ngày 23 tháng chạp lễ đưa ông Táo về trời.

- Khoảng 24 - 25 tháng chạp con cháu đi tảo mộ ông bà để chuẩn bị cho lễ “rước ông bà” trong dịp tất niên. Trước ngày giáp Tết mọi gia đình đều chuẩn bị đầy đủ thức ăn, bánh mứt, trái cây, hoa kiểng để cúng kiến, trang hoàng nhà cửa cùng những quà vật tặng con cháu và các anh em bè bạn quen thân. Trên bàn thờ tổ tiên đã được lau chùi bóng loáng, thông thường phải có cặp dưa hấu, mâm ngũ quả và cành mai vàng. Chiều cuối năm (cuối tháng chạp âm lịch), là lễ tất niên, "rước ông bà" về vui Tết, đoàn tụ với gia đình. Mâm cơm tất niên được tổ chức thịnh soạn, bày cúng khi người thân trong gia đình đã tề tựu về đầy đủ.

- 0 giờ đêm cuối năm rạng ngày 1 tháng giêng là lễ đón giao thừa, ngày Tết chính thức. - Mùng 3 Tết (mùng 3 tháng giêng) là lễ cúng "tiễn đưa ông bà" đánh dấu ngày Tết Nguyên đán kết thúc. "Mùng Một ăn Tết nhà cha, mùng Hai nhà vợ, mùng Ba nhà thầy" là trật tự ăn Tết của người Việt Nam. Ba ngày Tết là ba ngày ăn uống, vui chơi, thăm viếng, chúc tụng nhau. Có rất nhiều trò vui chơi, giải trí cả hiện đại lẫn dân gian cổ truyền.

+ Tết mùng 5 tháng 5. Còn gọi là Tết Đoan Ngọ được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm dựa theo sự tích Khuất Nguyên trầm mình trong lịch sử Trung Hoa.

+ Tết Trung thu: Lễ Tết cúng mừng mùa trăng sáng nhất trong năm vào rằm tháng 8 âm lịch. Tết Trung thu trở thành ngày hội lớn của tuổi trẻ.

+ Thanh minh: Lễ tảo mộ ông bà tổ tiên, gốc của người Hoa, nay cả người Hoa, người Việt đều sinh hoạt. Lễ kéo dài cả tháng. Nhưng ngày chính thức diễn ra vào tiết thanh minh của âm lịch (xê dịch từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch) ứng với ngày 5 tháng 4 dương lịch hằng năm. Thăm mộ ngày Thanh minh là một trong những hành vi tôn kính thiêng liêng nhất mà người sống có thể bộc lộ với người chết. Nhân dịp này để dựng mộ chí. “Thanh minh trong tiết tháng ba, Lễ là tao mộ, hội là đạp thanh” (Nguyễn Du)

+ Lễ Cholchnam Thmay: Lễ vào năm mới còn gọi “Lễ chịu tuổi” tức là Tết của người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long ở Cần Thơ. Lễ Cholchnam Thmay tính theo Phật lịch được kéo dài 3 ngày, thường xê dịch trong khoảng tháng 4 dương lịch hàng năm.

+ Lễ Đôn ta: Lễ cúng ông bà tổ tiên của người Khmer được tổ chức mỗi năm 8 ngày, từ 29 tháng 8 đến 1 tháng 9 âm lịch hàng năm.

+ Riêng người Việt có các lễ thức dân gian phổ biến như. Người Việt ở Cần Thơ cũng như ở Nam Bộ rất coi trọng đình làng. Khi lưu dân đến khai phá đất đai, đã ổn định cuộc sống thì ngôi đình mọc lên để thờ các vị Tiền hiền, Hậu hiền là những ân nhân sinh tiền có công mở đất lập làng, ổn định cho cuộc sống dân cư ở địa phương.

Đình là nơi thờ các vị thần linh phù hộ cho dân làng như thần “Thành Hoàng Bổn Cảnh”, các vị thần tín ngưỡng dân gian. Các ngôi đình ở Cần Thơ khác hơn các ngôi đình ở Nam bộ, còn thờ các vị có công với làng xã, đánh đuổi giặc ngoại xâm được thờ cùng với thần “Thành Hoàng Bổn Cảnh”, như đình Bình Thủy thờ các ông: Đinh Công Chánh, Trần Hưng Đạo, Bùi Hữu Nghĩa... Đình Thới Bình - Tân An thờ ông: Nguyễn Thành Trưng, đình Thường Thạnh thờ ông Nguyễn Trung Trực v.v... Ngoài ra, các ngôi đình ở Cần Thơ còn thờ các vị thần theo tín ngưỡng dân gian phổ biến là: thần Hổ, thần Nông, thần Bạch Mai, thần Thái Giám, thần Thổ Địa, Táo quân, thần Thanh Long, thần Bạch Hổ, thần Phong Thủy, thần Triệt lộ v.v... Riêng đình Thới Bình - Tân An còn thờ Ngũ Hành Nương Nương, Bà Chúa Xứ, Quan Công v.v...

Hằng năm, các ngôi đình ở Cần Thơ thường có 2 kỳ lễ lớn: Thượng điền và Hạ điền và cứ 8 năm chọn ngày Thượng điền hoặc Hạ điền làm lễ Kỳ Yên. Lễ Kỳ Yên có các nghi lễ thỉnh sắc thần "Thành Hoàng Bổn Cảnh" về đình, lễ mở sắc thần, lễ Túc Yết, lễ Chánh Tế, lễ Tế Tiên Hiền, Hậu Hiền và các danh hữu công khác. Nếu lễ Kỳ Yên còn kiêm luôn lễ Thượng điền hoặc Hạ điền thì có nghi thức tế thần Nông và thần Hổ.

Đình làng nói, chung và đình ở Cần Thơ nói riêng là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư làng xã, thể hiện sự phong phú trong đời sống tâm linh của người dân xứ này. Ngoài các lễ thức dân gian nói trên, người Việt ở Cần Thơ còn cúng đất nước ông bà (hay ông bà tổ tiên hoặc Tổ quốc), cúng làm nhà, cúng Tổ (mỗi ngành nghề có ngày cúng Tổ riêng), cúng cầu mưa, cúng tống ôn, cúng chiến sĩ trận vong (kèm với các đám cúng giỗ, Tết), thờ cúng ông Táo, Đất đai, Thổ địa, Thần Tài, Thần Hộ mạng v.v...

Tùy theo nội dung sinh hoạt của mỗi chùa, thông thường trong năm có các ngày lễ, vía lớn như sau: Vía Quan Công (13 tháng giêng), vía Bà Thiên Hậu (23 tháng giêng âm lịch), vía ông Bổn (15 tháng 3 âm lịch), vía Ngọc Hoàng (9 tháng giêng âm lịch). Ngoài ra, rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, rằm tháng Chạp, các ngày sóc, ngày vọng cũng là ngày lễ của các chùa, miếu. Ngày Tết Nguyên đán là một dịp sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo quan trọng của người Hoa.

                                                                                 (Nguồn: cantho.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *