Lễ hội

Lễ Kỳ Yên

Tháng giêng vui lễ Kỳ Yên : Cứ mỗi độ xuân về, người dân Bạc Liêu lại tưng bừng tổ chức nhiều lễ hội truyền thống. Lễ hội Kỳ Yên (hay cầu an) là một trong những lễ hội được nhân dân tổ chức quy mô, long trọng nhất trong mỗi một ngôi đình làng. Mục đích của lễ hội là cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, xóm làng yên vui, dân giàu nước mạnh. Cũng như nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức tại các địa phương ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Lễ hội Kỳ Yên ở Bạc Liêu được tổ chức gồm 2 phần: lễ và hội. Trong phần lễ có các nghi thức rước sắc thần về đình; tế túc yết: dâng hương, dâng rượu, dâng trà và đọc bài văn tế cầu nguyện và cảm tạ các thần Thành Hoàng, Tiên hiền, Hậu hiền, thần Nông, thần Hổ... đã phù hộ cho dân làng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, trong phần hội của Lễ hội Kỳ Yên có chương trình hát bội với nhiều tuồng tích xưa như: Chung Vô Diệm, Thần Nữ Ngũ Linh Kỳ, Trảm Trinh Ân, Lưu Kim Đính, Tiết Đinh San...
Đến với Lễ hội Kỳ Yên, ngoài mục đích cầu phước, cầu tài, cầu lộc thọ, cầu hạnh phúc..., ai cũng cảm thấy xốn xang, rạo rực, cuốn hút với những trò chơi dân gian, những giai điệu trầm bổng của nghệ thuật hát bội, những cái bắt tay thắm thiết của họ hàng, anh em xa gần, bạn bè, đồng nghiệp... Người ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những vị bô lão trong bộ áo dài, khăn xếp ngồi đánh trống chầu hay những nam thanh, nữ tú hân hoan tìm về nguồn dân tộc. Không ít đôi nam nữ đã nên duyên vợ chồng sau mùa hội Kỳ Yên.

Đi nghe hát bội ở Miếu Vạn Ban Ngũ Hành thuộc Phường 2, TX Bạc Liêu, chị Lâm Hồng Thắm (dân tộc Hoa, Phường 3, TX Bạc Liêu) phấn khởi cho biết: “Năm nào, gia đình tui cũng đến đình, miếu này để tham gia Lễ hội Kỳ Yên. Mình lớn tuổi nên chỉ thích xem hát đình, hát bội, còn mấy đứa nhỏ thì thích những trò chơi dân gian như nhảy cà ròn, ném banh, phóng tiêu… vui lắm!”. “Đi xem hát bội vui hội Kỳ Yên” đã trở thành một nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong đời sống tinh thần trong những ngày xuân của người dân Bạc Liêu. Ngoài yếu tố tâm linh, Lễ hội Kỳ Yên còn có ý nghĩa giáo dục thế hệ con cháu ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc...

Điều ghi nhận từ lễ hội Kỳ Yên hiện nay cho thấy, lễ hội đã được nhân dân tổ chức quy mô, linh đình, thiêng liêng nhưng gọn nhẹ, tiết kiệm hơn so với những năm trước kia. Những nghi thức hành lễ tốn kém tiền của, mang đậm yếu tố mê tín dị đoan trong nghi lễ thỉnh thần, lễ chánh tế... đã được lược bỏ.

Tuy nhiên, bên cạnh những nét đẹp văn hoá truyền thống, tại lễ hội Kỳ Yên cũng đã xuất hiện những biến tướng tiêu cực như bói toán, xóc quẻ, cờ bạc, móc túi, chèn ép giá cả... gây phiền toái, bất bình cho du khách. Mong rằng, những hiện tượng tiêu cực trên sẽ sớm được ngăn chặn, xử lý.

Năm 2008 là năm du lịch quốc gia, lễ hội Kỳ yên được nhiều tỉnh ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long chọn làm sự kiện văn hoá-du lịch. Đối với tỉnh Bạc Liêu, mặc dù có nhiều thế mạnh nhưng nhìn chung, tỉnh vẫn chưa tận dụng, khai thác được tiềm năng các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc để phát triển du lịch. Trong những năm tới, lễ hội Kỳ Yên có được Bạc Liêu lựa chọn để giới thiệu, quảng bá trở thành sự kiện văn hoá du lịch? Câu hỏi này dành cho những người làm công tác văn hoá - du lịch của tỉnh.

(Nguồn: saigontoserco.com)

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *