Lễ hội

Lễ Rước Nước ở lễ hội Phủ Quảng Cung

Phủ Quảng Cung còn gọi là Phủ Nấp thuộc thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định tương truyền được xây dựng vào năm thứ tư niên hiệu Hồng Đức (1473). Phủ được xây dựng trên nền nhà sinh ra Thánh Mẫu ngay sau khi bà mất và được tu sửa nhiều lần, đến năm Duy Tân thứ năm (1911) được tôn tạo to đẹp và trang nghiêm.  

Hiện nay trong Phủ còn giữ lại được nhiều đồ tế tự tiêu biểu như: tượng Mẫu Phạm Thị Tiên Nga bằng đồng tạc năm 1770, với tư thế ngồi thiền trên tòa sen, bát hương bằng đồng, thân chạm lưỡng long chầu nguyệt mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê và khắc chữ Hán Quảng Cung linh từ; bát hương bằng đồng; 34 bản khắc gỗ có nội dung của 64 quẻ thẻ, một số hiện vật quý hiếm, một số bia đá, sắc phong hoành phi, câu đối ghi dấu sự tích và ca ngợi công đức của Mẫu.

Theo các truyền thuyết và thư tịch hiện còn lưu giữ thì đây là nơi giáng sinh lần thứ nhất của Tiên chúa Liễu Hạnh – một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng Việt Nam, một nhân vật văn hóa, vừa là thần như sắc phong, vừa là Thánh như dân gian phong, lại là Phật là Tiên như trong sự tích. Tiền thân của Mẫu là tiên nữ của Ngọc Hoàng đầu thai vào nhà họ Phạm từ năm Thiệu Bình thứ nhất (1434) đời vua Lê Thái Tông ở xã Vỉ Nhuế, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (nay là thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Bà tên là Phạm Tiên Nga, không lấy chồng mà ở vậy phụng dưỡng cha mẹ. Sau đó cha mẹ lần lượt qua đời, bà lập chùa đi tu, có công tu sửa chùa Chương Sơn (Ý Yên – Nam Định), chùa Long Sơn (Duy Tiên – Hà Nam), chùa Thiện Thành (Bình Lục – Hà Nam). Năm 40 tuổi, bà qua đời, trở về thiên đình. Dân làng Vỉ Nhuế lập phủ thờ bà.

Quảng Cung xưa hàng năm giỗ Mẫu vào ngày 2/3 âm lịch. Theo truyền thuyết, từ năm 1740 vâng lệnh triều đình, quan phủ Nghĩa Hưng đều phải làm chủ tế. Sau tế lễ là lễ hội, rước kiệu Mẫu về đền thờ tổ họ Phạm ở La Ngạn, rồi rước lên chùa Kim Thoa và chùa Phúc Lâm, sau mới quay về Phủ Quảng Cung. Hôm sau rước Mẫu về Vỉ Nhuế, nơi thờ tổ họ Đoàn bên ngoại Tiên chúa. Ngày nay, lễ hội Phủ Quảng Cung được tổ chức từ ngày mùng 1 đến mùng 6 tháng 3 âm lịch. Đặc biệt, ngày mùng 3 có lễ rước kinh lấy nước, đêm mùng 4 có lễ tế nến. Đây là nét độc đáo của lễ hội Phủ Quảng Cung vừa mang tính lễ nghi truyền thống, vừa mang tính nghệ thuật hấp dẫn trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Lễ hội Phủ Quảng Cung khai mạc đúng vào thời gian nông nhàn của bà con nông dân (ngày 3/3 âm lịch, ngày kỵ của Mẫu) nên các hoạt động lễ hội diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi. Mở đầu là lễ rước Mẫu từ phủ Quảng Cung lên phủ Đồi cách đó chừng 4km thu hút sự chú ý quan tâm và tham gia của nhân dân, du khách. Đi đầu đoàn rước là đội múa rồng và các kiệu: Kiệu Mẫu Đệ Nhất phủ khăn màu đỏ, Mẫu Đệ Nhị màu xanh, Mẫu Đệ Tam màu trắng, phu kiệu cũng mặc theo màu như vậy nên trông rất trang nghiêm và đẹp mắt. Đoàn người rước kiệu Mẫu xong là đến phần rước nước. Lễ rước nước trong lễ hội Phủ Quảng Cung của người dân xã Yên Đồng là thể hiện sự tôn kính của người dân địa phương đối với Thánh Mẫu. Trước kia lễ rước nước được tổ chức trên sông Sắt nằm phía Bắc của xã Yên Đồng gần Phủ Đồi. Nhưng hai năm trở lại đây, lễ rước nước tổ chức tại sông Đáy, nơi mới xây dựng phủ thủy.

Để lễ rước nước diễn ra thuận lợi và trang nghiêm, công tác chuẩn bị được tiến hành ngay từ hôm trước. Địa điểm lễ rước nước diễn ra là bến đò Vọng của sông Đáy, được trang trí cờ hội, vệ sinh sạch sẽ. Đoàn người tham gia lễ rước nước náo nhiệt trong cờ rong trống thúc, kiệu trên vai thật náo nhiệt và hoành tráng. Đoàn xuất phát từ phủ Đồi đi đầu một đội múa rồng, múa kỳ lân sư tử, với những điệu múa uyển chuyển điêu luyện, thân hình con vật khi múa: lúc cuồn cuộn như rồng bay, khi điệu đàng như phượng múa. Tiếp đó là đoàn người cờ quạt trong tay, phường bát âm, đội múa sênh tiền, bát bửu, tàn lọng…Rồi đến đội cấm vệ, oai phong vác xà mâu, kiếm, kích cùng các quan viên chức sắc trong làng. Trống cái sơn màu đỏ, hai đầu đòn khiêng trống sơn son thiếc vàng, hai người khiêng trống đầu đội mũ đai rồng. Tiếng trống thôi thúc hòa cùng tiếng nhạc phường bát âm, làm vang dội cả một vùng. Từ xa, nhìn đoàn người đi rước nước giống như một con rồng khổng lồ, lúc lượn cong, lúc uốn khúc- một số hình ảnh sống động và bắt mắt. Tại bến đò Vọng đã có 5 thuyền và 1 chiếc kiệu hoa dùng để trang trí, trên đầu kiệu có gắn quả bầu khô tượng trưng cho việc lấy nước của Mẫu. Dụng cụ lấy nước gồm 2 muôi đồng và 1 chóe để đựng nước. Thuyền lớn chở kiệu Mẫu gồm 8 thiếu nữ khiêng xuống thuyền, trang phục trang nghiêm đầu quấn khăn, chân quấn xà cạp, có dây thắt lưng. Sau khi các bô lão trong làng và ban tổ chức làm lễ ngay tại bờ xin Mẫu ra lấy nước, 4 thuyền còn lại dùng để hộ tống. Do đặc điểm của hai dòng chảy, sông Đáy từ thượng nguồn đổ về nên nước trong, sông Đào là nhánh của sông Hồng đổ ra nên nước đục. Thuyền tế phải chọn vị trí neo ở giữa dòng. Thủ nhang thận trọng múc nước vào chóe bằng sành và thả tiền vàng, thuyền quay nhiều vòng giữa sông sau đó mới vào bờ. Chóe nước thiêng được đặt trên kiệu Mẫu về phủ Quảng Cung. Tại Phủ, chóe nước được đặt tại nơi trang trọng. Khác với các “lễ rước nước” ở các địa phương, nước thiêng dùng để tắm tượng (hay còn gọi là lễ mộc dục), tại lễ hội Phủ Quảng Cung, tương truyền nước thiêng dùng để chữa bệnh cho nhân dân trong vùng cả năm.

Hiện nay, nhằm thực hiện Nghị Quyết TW5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, lễ “rước nước” trong lễ hội Phủ Quảng Cung đang được chính quyền địa phương chỉ đạo, khôi phục. Lễ hội Phủ Quảng Cung trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, du lịch tâm lịch thu hút ngày càng đông du khách thập phương về dự hội.

(Nguồn: Tạp chí Văn hóa,Thể thao&Du lịch Nam Định)

 

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *