Lễ hội

Lễ rước thánh Tản Viên

Nghi thức đầu tiên của lễ hội được tiến hành vào đêm 30 tết, là lễ rước Thánh Tản qua sông Đà để ngài về thăm bố vợ. Một ông lái đò, được chọn trước theo các tiêu chuẩn: khoẻ mạnh, gia thế đề huề, có đạo đức tốt, và chay tịnh để bảo đảm trong sạch hàng tuần trước ngày lễ. Sau lễ tế tại đình, lễ tiễn tiến hành tại bến đò làng Khê Thượng. Người lái đò trong lễ phục màu đỏ chèo chiếc đò không, sang bến đò Bộ thuộc xã Thạch Đồng, huyện Tam Thanh, Phú Thọ. Mọi người đều hiểu Đức Thánh đã lên đò, sang sông. Đức Thánh không đi một mình, mà có nhiều quân, quan hộ tống, nên người chèo đò đưa con đò đi lại ba lần qua sông. Khi người lái đò "thấy" Đức Thánh và đoàn quân của ngài đã sang sông hết, mới đốt tràng pháo báo tin. Cuộc hành lễ đã xong. Dân làng kéo về nhà đón năm mới.

Khớp với lễ rước Chúa Ông bên làng Khê Thượng, ở làng Triệu Phú bên Hy Cương, Phong Châu, Phú Thọ có lễ hội rước tiễn Chúa Bà theo chồng về núi Tản Viên. Tương truyền rằng từ trước Tết, bà Ngọc Hoa đã xin phép chồng về thăm bố mẹ. Đến khi Sơn Tinh (Thánh Tản) sang tết bố vợ thì đón luôn vợ trở về. Bà Ngọc Hoa ra đi rất bịn rịn. Đoàn kiệu về đến làng Triệu Phú, bà không chịu đi nữa, Thánh Tản dỗ mãi không được phải vào làng bảo dân làng tổ chức trò vui bách nghệ khôi hài và trò rưóc để bà Ngọc Hoa vui vẻ lên đường...Và, tiếp tục rước Chúa Bà lên làng Triệu Phú, ở Khê Thượng tiến hành lễ đón Chúa Ông vào rạng sáng mồng 2 tết.

Sau lễ là đến hội. Hội Khê Thượng diễn ra tưng bừng từ mồng 3 tết, các dân làng chung quanh cũng nô nức đến tham dự. Các trò chơi dân gian được tổ chức để trai gái đua tài, đua sức: chọi gà, đấu vật, đánh cờ, rồi hát tuồng, diễn chèo...suốt ngày, suốt tối. Trong số các trò chơi suốt cả tuần đầu mùa xuân, thì trò đấu vật thờ Thánh được đặc biệt chú ý. Tục này được giữ gìn như một nghi lễ để nhắc nhớ sự kiện oanh liệt của Sơn Tinh chiến thắng Thuỷ Tinh. Trò đấu vật thờ Thánh trở nên lừng danh còn bởi một nguyên do ở Khê Thượng xưa vốn là một lò vật nổi tiếng, nhiều thời kế truyền có những đô vật, tiếng địa phương gọi là hói, kiệt xuất bậc nhất, nhì của bản hội. Do vậy, cứ sau một keo vật tượng trưng để thờ thánh, hói nhất được ngồi một mình một chiếu hoa trước sới, xem các đàn em thi tài. Ngày thứ 6, thứ 7, ngày cuối của hội vật, có trò trồng voi trước cửa đình. Thật kỳ khu và ngộ nghĩnh, có hai nhóm, mỗi nhóm gồm 3 đô vật, kết thành hai con voi. Đô khoẻ nhất đứng tấn, đô thứ hai ngồi trên vai đô đứng, chắp tay trước ngực làm quản voi. Đô thứ ba quặp chân ngang bụng đô đứng, nhoài ngang người, đầu vươn ra làm đầu voi... Do luyện tập công phu, chỉ sau hồi trống lệnh, hai con voi đã được trồng xong, sóng hàng đứng chầu vào cửa đình. Khi ấy, hói nhất mới đứng dậy, bước tới dùng dải lụa đào quàng qua hai đầu voi, dắt cặp voi tiến về phía cửa đình trong tiếng hò reo vang dậy của dân làng...

Trò cuối cùng được chọn để kết thúc hội xuân là trò chém may. Có trò này, bởi trong dân gian vẫn tương truyền câu chuyện rằng trên đường từ núi Tản về Đền Hùng, Thánh Tản bắt được kẻ gian. Ngài giao cho dân giữ, rồi cho xử tội để làm răn kẻ khác vào dịp trước khi tan hội. Người được giao trọng trách chém may là thủ phiên của giáp đăng cai hội xuân. Ông thủ phiên mình trần, đầu chít khăn, mặc quần lá toạ, thắt lưng lục, thảy đều là màu đỏ. Tay phải cầm dao dài nom như thanh kiếm, tay trái cầm chiếc mộc hình thuyền đan bằng tre và cũng được sơn đỏ. Lễ Thánh xong, thủ phiên theo nhịp trống tiến đến võ đài, cùng lúc có hai cánh quân cuồn cuộn tiến theo. Cho đến khi trống thúc dồn, đường đao phủ phiên múa tít, chủ tế xướng lên: "khởi trừ tà đạo", bách pháo được châm ngòi nổ ran, thì thủ phiên đã áp sát cây chuối - vật chịu tội. Nhanh như chớp, lưỡi dao thủ phiên phạt xuống, thân chuối đứt đôi, và theo đà, lưỡi dao phất ngược lên chém đứt đôi ngọn chuối đang đổ xuống. Nếu chém trước tràng pháo, hoặc chém xong khi pháo đã nổ hết, là không đạt, sẽ bị làng phạt vạ, bởi đó là điềm không may. Còn chém đạt, sẽ được thưởng bởi như vậy là xóm làng năm đó sẽ may mắn, được mùa, an khang thịnh vượng...

(Nguồn: saigontoserco.com)

 


Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *