Lễ hội

Nghinh ông - lễ hội tri ân biển cả

Vào ngày 23, 24, 25/4 hàng năm (nhằm 21, 22, 23/3 âm lịch), tại khu vực cảng cá thị trấn Trần Đề. Hội Lăng ông Nam Hải tổ chức lễ hội kỳ yên cúng ông Nam Hải nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, khai thác được nhiều nguồn lợi hải sản. Đây là hoạt động văn hóa tiêu biểu của cư dân miền duyên hải diễn ra định kỳ hàng năm, nhằm tri ân các bậc tiền hiền đã có công khai phá đất đai và mừng một năm thu hoạch tôm cá bội thu. Lễ hội còn gắn với tập tục thờ cúng cá ông (cá voi) vốn là tín ngưỡng của cư dân miền biển, bởi bà con xem cá ông là vị ân nhân khi bị hoạn nạn ngoài khơi. Với ý nghĩa đó, lễ hội Nghinh ông thường tổ chức long trọng, chu đáo thu hút nhiều người đến tham gia, chẳng những bà con trong vùng mà du khách thập phương cũng đến cúng viếng để tỏ lòng thành kính, cầu mong sự may mắn, an gia và sung túc.

Ngay từ sáng sớm ngày 23/4 (21-3 AL), bà con đã chuẩn bị mâm lễ vật như nhang đèn, bánh trái rồi tập trung ra bến tàu để làm lễ thỉnh ông (ông Nam Hải, biểu tượng của cá voi) về đất liền. Đúng 5 giờ sáng, hàng trăm chiếc tàu trang trí cờ hoa lộng lẫy lần lượt khởi hành ra khơi, đi đầu là đoàn tàu của Ban tổ chức lễ hội, vị chủ lễ làm động tác “xin keo”. Sau khi “xin keo” thành công, đoàn tàu quay về đất liền xếp thành đoàn diễu hành nghiêm trang, có đội múa lân sôi động đi trước, theo sau là đoàn người với lễ phục áo dài, khăn đóng sặc sỡ, trên tay đều cầm lễ vật hướng về lăng ông. Khi đoàn diễu hành đến nơi thì trống kèn nhộn nhịp vang lên, mọi người đặt các lễ vật trên bàn thờ, cúng bái. Sau phần thỉnh ông thì đến nghi thức thỉnh bà, mọi người sắp xếp mâm xôi, bánh trái rồi thắp nhang nhắc đến ân đức của bà đã phù hộ cho dân chúng một năm an lành, phát đạt. Tiếp đó là lễ cúng tiên sư, cúng tiền vàng, cúng chánh tế, mỗi nghi lễ đều thể hiện tấm lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân, ân nhân quá vãng mang đầy tính nhân bản “ăn trái nhớ người trồng cây” thiêng liêng, sâu sắc. Để tăng thêm sinh khí trong buổi lễ, bà con còn thành lập ban lễ nghi, ông chánh lễ là người đứng tuổi có uy tín trong làng và các nam thanh, nữ tú, điều khiển, bưng bê, dâng cúng lễ vật. Lúc hành lễ người ta còn hát xướng những lời ca mộc mạc, phụ họa bằng nhạc khí tài tử du dương, man mác đậm chất văn hóa Nam bộ.

        Năm qua, dù giá nhiên liệu tăng hơn mọi năm, nhưng nhờ sự năng động (tiết kiệm chi phí đầu ra) nên ngư dân đều có lời. Đồng chí Trương Văn Út - Chủ tịch UBND thị trấn Trần Đề phấn khởi, cho biết: “Thị trấn Trần Đề có 344 ghe đánh cá, trong đó có 200 ghe lớn (90 CV) đánh bắt xa bờ, tổng sản lượng năm 2010 đạt trên 29.300 tấn, đa số bà con đi biển thuận lợi, trúng được nhiều mẻ lưới, giá cả ổn định nên đảm bảo doanh số. Cũng như mỗi năm hộ chị Tô Thị Thu và hộ anh Tô Văn Trọng khai thác được trên 10 ngàn tấn hải sản (tăng hơn năm rồi), nên neo tàu nghỉ ngơi 3 ngày, bên cạnh thết đãi con cháu, dân chài, bạn hữu gần xa, các hộ còn tích cực đóng góp vào quỹ vì người nghèo, quỹ an ninh quốc phòng, quỹ khuyến học... gần 30 triệu đồng. Ngoài được ăn uống no nê, mọi người còn được xem hát bộ do đoàn tuồng cổ từ thành phố Sóc Trăng về biểu diễn phục vụ bà con trong các đêm lễ hội. Các đoàn thể tại địa phương còn tổ chức thi đấu các môn thể thao, vừa tạo sinh khí vui tươi, phấn khởi vừa nâng cao thể lực. Kết thúc mùa lễ hội, bà con ngư dân thị trần Trần Đề tiếp tục ra khơi hứa hẹn mùa tôm cá bội thu.

(Nguồn: www.soctrang.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *