Lễ hội

Thiên Hậu Cung và lễ hội Chùa Bà Thủ Dầu Một

Miếu bà Thiên Hậu “Thiên Hậu Cung” mà người dân quen gọi là Chùa Bà. Một cơ sở tín ngưỡng dân gian quan trọng của đồng bào người Hoa trên đất Thủ Dầu Một, Bình Dương. Miếu Bà hiện nay tọa lạc tại số 4 đường Nguyễn Du, thị xã Thủ Dầu Một, cạnh bùng binh ngã Sáu. Miếu do các ban người Hoa tạo lập để thờ vị nữ thần hiệu là Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Về sử tích vị nữ thần được sử sách ghi lại có một số nét khác nhau:
Đầu tiên, giai thoại trong dân gian cho rằng: Bà tên là Lâm Mi Châu, sinh ở Phúc Kiến, đời nhà Tống, con một ngư phủ, Bà vốn có tánh linh, truyền rằng: Một hôm cha và hai người anh Bà đi đánh cá ngoài biển, chẳng may gặp biển động, thuyền bị chìm, lúc ấy Bà đang ngồi dệt lụa tại nhà bổng nhiên nhắm nghiền mắt lại, đưa tay ra trước với dáng điệu như cố níu kéo một vật gì. Người mẹ thấy vậy vội lay gọi Bà, Bà thu tay lại ngước mắt, cho mẹ hay là cha đã chết, chỉ cứu được hai anh thôi. Dân chúng trong vùng hay biết việc này đem lòng tín ngưỡng, từ đó mỗi khi đi biển họ thường đến xin bà phù hộ. Đến năm 27 tuổi bà mất, được vua Tống sắc phong là Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Theo sách Thanh Nhất Thống Chí viết: Thiên Hậu là tên một thần biển, con gái thứ sáu của Lâm Nguyệt tên là Lâm Túc Mặc, người Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến. Khi sinh ra có hương thơm ngào ngạt, hào quang rực rỡ, lớn lên có phép mầu, cỡi chiếu bay trên biển. Sau khi thăng hoa thường mặc áo đỏ bay lượn trên biển. Các đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh thường hiển linh, thời Khang Hy được phong làm Thiên Phi, sau gia phong Thiên Hậu.

Trong sách Thăng Long Cổ Tích Khảo, khi nói về đền thờ Thiên Hậu ở phía ngoài cửa Đông, thành Hà Nội viết: Thiên Hậu là người Quảng Đông, cha anh thường đi thuyền buôn bán ở Nam Hải. Một lần đang dệt vải, nàng ngủ gật, tỉnh dậy nói với mẹ rằng cha và anh đã bị chết vì sóng gió ngoài biển. Sau nhận được tin quả nhiên như vậy. Khi đến tuổi trưởng thành nàng cưỡi gió bay đi hóa thành thần biển.

Còn sách Đại Nam Nhất Thống Chí, khi nói về ngôi đền Thiên Hậu ở bên bờ sông, bên ngoài tỉnh thành Bình Thuận, viết: Đền thờ Thiên Hậu, bà người Phúc Kiến, nguyên là con gái nhà họ On, lên tám tuổi đi học phép tiên, 12 tuổi luyện được đan, có tài gọi gió, gọi mưa, từng bay ra biển cứu giúp những ngườì bị nạn. Thần được các triều Tống, Minh Phong tặng, triều Thanh Phong là Thiên Hậu Thánh Mẫu. (Dẫn theo sách tiếp cận tín ngưõng dân dã Việt Nam – Nguyễn Minh San – NXB văn hóa dân tộc).

Về việc thành lập chùa:

Đầu tiên không biết chùa được xây cất năm nào, chỉ biết lúc đầu chùa tọa lạc tại con rạch Hương Chủ Hiếu (nay đã xây dựng lại ngôi miếu trên vị trí ban đầu của xưa kia). Người xưa đã chịu ảnh hưởng của quan niệm dân gian là địa thế xây cất miếu Bà thường tuân theo nguyên tắc kiến trúc điện mẫu, tức là luôn mang yếu tính nữ trong xây cất, một trong yếu tố nữ là điện thờ nên chọn nơi gần sông, suối, ao, hồ… nghĩa là gần nơi có nước, vì nước mang yếu tố âm, mang tính nữ. 
 
alt

Đến năm 1923, bốn Bang người Hoa (Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến và Hẹ) chung sức tái tạo ngôi chùa ở vị trí như ngày nay.

Vài nét về kiến trúc, thờ tự, trang trí nội thất: ở hai cánh cửa chính đề bốn chữ đại tự: Phong Điều Vũ Thuận (gió mưa điều hòa). Vào sân chùa, trước cửa điện có đặt một cái đỉnh lớn, nơi những người đến cúng cắm nhang.

Toàn bộ ngôi chùa kiến trúc thành ba dãy nhà ở giữa là chánh điện đề ba chữ Thiên Hậu Cung, trên hai cánh cửa chính đề bốn chữ Quốc Thái Dân An, hai bên là hai cặp câu đối ca ngợi công đức của bà:

Thánh đức phối thiên hải đức từ hành phổ tế

Mẫu nghi xưng hậu tang du trở đậu trùng quang.

Tạm dịch:

Công đức của bậc thánh có thể sánh với trời, đức mênh mông như biển thuyền từ cứu vớt khắp cùng.

Cập thứ hai:

Thiên thượng từ hành nhân gian thánh mẫu

Hậu nghị cộng ngưỡng khôn đức trường tồn.

Tạm dịch:

Tại thượng giới hiệu là từ hàng, tại nhân gian tồn là thánh mẫu. Bậc hậu oai nghi ai cũng tôn kính, đức dày mãi mãi với thời gian.

Mái trước của chánh điện lợp ngói âm dương với những đường chỉ đắp nổi, trang trí Lưỡng Long Tranh Châu, Cá Chép Hóa Rồng. Hai bên đường viền của mái nhà là tượng “Bà Mặt Trăng”, những tượng Quan Văn, Quan Võ… tiêu biểu nhất lí âm dương và cũng là đặc trưng của lối kiến trúc người Hoa.

Hai dãy nhà hai bên chánh điện có đề ở cửa cái chữ thất phủ, công sở đó chỉ lài hai nơi làm việc như hội họp và những kho chứa đồ đạc, gọi chung là thất phủ công sở. Do vậy, mà bên trong ghi những chữ như: Hữu Thông (đi suốt qua bên mặc), sự chi, công lý (mọi việc theo lẽ công) ( bên phải). Bên trái ghi: Dĩ Lễ, Thủ Chánh (hãy theo l64, giữ gìn cái chính), Quảng Nội (rộng rãi bên trong), những chữ vắn tắt ấy như những khẩu hiệu nhắc nhở mọi người.

Trong điện có cặp đối, nội dung các cặp đối là ngợi ca công đức và sự linh diệu của Bà trong việc cứu nhân độ thế, hơn nữa bà là vị nữ thần phò hộ cho người dân đi biển nên hầu hết các cặp đối đều có nhắc đến những hình ảnh có liên quan đến biển khơi và sự mong ước được sống yên, bể lặng, tất nhiên những hình ảnh ấy cũng được hiểu rộng ra với nghĩa tượng trưng.

Tại chánh cung, thờ vị chánh thần là Thiên Hậu Thánh Mẫu, tượng có áo mão nghiêm trang và thường được thay mới hàng năm, hoặc hai, ba năm một lần. Bên trái bà là khám thờ Ngũ Hành Nương Nương. Bên phải thờ Bổn, gọi là bổn đầu công công.

Hai bên tường có giá cắm tấm biển đề Túc Tĩnh - Hồi Tị, để kêu gọi mọi người nghiêm trang hoặc tránh ra mỗi khi có rước kiệu Bà đi trên đường. Cặp biển thứ hai đề Thiên Hậu Nguyên Quân ( Vị thần chủ việc tiền tài). Các cặp biển sắp theo thứ tự trong thờ tự cũng như trong diễu hành lễ rước bà.

Hai bên chánh điện được xem như Đông lang, Tây lang, là nơi hội họp, được gọi là thất thủ công sở. Trong điện có trưng bày giá cắm bát biểu là tám món bửu bối của tám vị tiên theo truyền thuyết của người Trung Hoa.

Nhìn chung ngoài những lối kiến trúc, thờ phượng, những chùa miếu người Hoa còn có những nét đặc trưng nữa là những cây nhang vòng, những lồng đèn có viết chữ Hán và những màu sơn vàng đỏ sặc sở được trưng bày trong miếu.

Lễ hội ở miếu Bà:

Ngày lễ thuần túy diễn ra ngày 25 tháng 3, là ngày vía bà. Ngày ấy chỉ có cúng lễ tế, lễ bái mà không có cuộc rước lễ, diễu hành, đặc biệt là ở các cuộc lễ của người Hoa ở miếu bà không có đọc sớ hoặc văn tế thần như các cuộc cúng đình của người việt. Các vật dâng cúng thần cũng không có qui định cụ thể mà hoàn toàn tùy thuộc ở tấm lòng và điều kiện của người cúng lễ. Thông thường là bánh, trái, hoa, hương, cau, thịt… còn loại nào, số lượng bao nhiêu không quy định chắc chẽ.

Hội vừa mang tính chất tín ngưỡng, vừa là dịp dân chúng tụ họp để chiêm ngưỡng thần, hoặc xem những đợt cúng lễ, múa hát, rước xách, diễu hành, nghĩa là dịp vừa tín ngưỡng vừa vui chơi, giải trí. Phải chăng điều đó thể hiện bản chất thích hợp quần chúng của các cuộc lễ hội?

Ngày lễ hội miếu Bà ở Thủ Dầu Một – Bình Dương, được diễn ra ngày Rằm tháng Giêng Âm lịch hàng năm và được chuẩn bị chu đáo của ban tổ chức, lại được sự bảo vệ của các cơ quan chức năng. Ngày lễ hội được tiến hành theo trình tự sau:

Sáng 14 tháng Giêng (AL) lễ bắt đầu, lễ diễn ra đơn giản trong vòng 15 hay 20 phút, sau đó là bá tánh vào lễ. Trong dịp lễ này thường có tục “Thỉnh Lộc Bà”. Lộc là những cây nhang lớn và những cái đèn lồng phất giấy. Việc thỉnh lộc bằng đèn, nhang có ý nghĩa là mang ánh sáng vào hương thơm, tượng trưng cho sự hanh thông, sáng sủa và danh giá cùng những may mắn cho gia đình.

Trong miếu thường có những lồng đèn phất giấy hình khối tròn như quả dưa hoặc như quả bí do bá tánh cúng. Sau lễ những đèn ấy được đem hỏa thiêu, còn những đèn nhang để bá tánh thỉnh lộc. Phần đèn có khoảng trên dưới 150 cái để người thỉnh lộc, phần nhang thì tùy hoàn cảnh, ít nhiều không hạn định. Ngoài ra, theo lễ hàng năm miếu Bà có sản xuất độ 15 cái đèn lớn để cúng Bà và số đèn này được đưa ra đấu giá, số tiến có được sẽ sung vào công quỹ của miếu.

alt 

Rước kiệu Bà trong Lễ hội

Cuộc rước kiệu Bà: Đây là cuộc hội đồng đông đảo và vui nhộn nhất diễn ra hằng năm ở thị xã Thủ Dầu Một.

Đi đầu là tấm biển đề 4 chữ Thiên Hậu xuất du. Kế tiếp là đoàn múa Hẩu của người Hoa thuộc bang Phúc Kiến. Hẩu là con Kim Mao sư (sư tử rồng vàng), là con thú chúa của loài thú. Hẩu dẫn đầu đoàn rước với ngụ ý là muốn xua đuổi hoặc răn đe những cái xấu, cái ác, đi trước người biểu diễn là người điều khiển hướng dẫn, cách thức, điệu múa Hẩu mạnh bạo, dứt khoát như người diễn võ, dùng nhiều sức nên mệt, do vậy một lúc có diễn viên khác vào thay. Múa Hẩu không có ông địa đi theo như múa Lân, Hẩu không leo trèo như Lân. Sau Hẩu là các xe hoa, rồi đồ binh khí, bát bửu, những tấm bài đề Túc Tĩnh, Hồi Tị.

Sau phần nghi thức cố định này, tùy theo sáng kiến từng năm của ban tổ chức mà có thể có đoàn Bát tiên (gồm 6 tiên ông và 2 tiên bà ), các tiên nữ đoàn múa rồng, múa lân.

Sau đoàn múa lân rồi đến cộ bà, cộ bà có tám người khiêng, khiêng cộ bà là điều có nhiều phước lộc nên được phân đều cho cả bốn Bang, mỗi bang phụ trách một góc cộ. Kế sau cộ bà là đoàn lân của người Quảng Đông như để hộ vệ bà cùng với bốn người đại diện của bốn bang người Hoa.

Ý nghĩa cuộc rước cộ là để bà thăm viếng dân tình và để bá tánh chiếm bái, cầu phúc. Thật ra những cuộc rước thần thánh nói chung ở các đình, chùa, miếu mạo… là cách đưa sự linh thiêng vào cuộc sống, tạo sự nối kết giữa thánh thần với đời thường, là dịp để mọi người vui chơi, giải trí trong cái không khí tín ngưỡng dân gian như mọi hội hè đình đám của truyền thống văn hóa dân tộc.

(Nguồn: www.binhduong.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *