Lễ hội

Tục thờ thần và lễ cầu ngư làng Hội Thống

Tục thờ thần và lễ cầu ngư làng Hội Thống: Xã Hội Thống trước năm 1945 thuộc tổng Đan Hải, sau năm 1945 vẫn là xã Hội Thống. Từ năm 1954 lại nay, là xã Xuân Hội huỵện Nghi Xuân. Hội Thống nằm mé bờ Nam cửa Hội (cửa Đan Nhai ngày xưa) có nghề nông, nghề buôn nhưng nổi tiếng nhất vẫn là nghề biển. Ở đây ngoài ngôi Đình Kiên Nghĩa còn có các đền miếu mà trong đó có 3 ngôi đền thờ Nam Hải Ngư thần (cá ông) thường gọi đền Cô, đền Cố, đền Cậu.

Đình hội Thống còn gọi là đình Kiên Nghĩa, thuộc làng Hội Thống. Đình được khởi dựng vào năm 1659 và khánh thành năm 1660, quay hướng tây, kién trúc kiểu chữ nhị gồm 2 toà Nội tẩm và Bái đường. Nội tẩm là nơi đặt bài vị thờ thần Thành Hoàng. Chính giữa có tấm hoành phi đề 4 chữ " Xuân đài thọ vực ". Nhà bái đường gồm 7 gian, 32 chân cột chính giữa là bức hoành có chữ " Kiên Nghĩa ", gian chính đặt hương án, hai gian tả, hữu đắp nổi lên làm nơi ngồi cho quan viên theo thứ bực, hai đầu là gác chuông, gác trống. Nhiều trang trí trên gỗ mang phong cách Hậu Lê. Sân đình rộng, bên trái là nhà bia, bên phải miếu thờ thổ thần. Ngoài cổng đình là khoảng ruộng, nơi hàng năm dùng làm lễ hạ điền sau đó tế Thành Hoàng. Đây là một trong những ngôi đình cổ xưa nhất và có qui mô nhất Nghệ Tĩnh, đã được xếp hạng di tích Quốc gia .

Tục thờ ngư thần của cư dân ven biển nói chung và ở Hội Thống nói riêng đã có từ lâu đời. Người dân biển mỗi lần ra khơi gặp sóng to, gió lớn thường được cá voi tới cứu đỡ cho thuyền khỏi chìm, do vậy mà cư dân ven biển gọi cá voi là "Nhân ngư " và tôn là "Ông ".
Lễ cầu ngư ở Hội Thống được tổ chức hàng năm hoặc 3 năm 1 lần vào ngày 3/2 âm lịch. Từ đầu năm các chủ thuyền (lái) họp bàn việc đóng góp và cử ban "chịu việc " và ban hành lễ bao gồm những người được tín nhiệm nhất. Lễ đặt mỗi thuyền phải đóng 10 quan tiền, trước ngày lễ mọi việc chuẩn bị đều hoàn tất. Trên cạn người ta dựng rạp ở bên luồng hay bãi biễn gọi là nơi dâng lễ, rạp cao khoảng 3m, dài rộng khoảng 6m, ngoảnh mặt ra biển. Mái và 3 phía của rạp phải dùng thuyền che kín. Trong rạp chính giữa là nơi đặt lễ vật, trên vách treo nhiều bức tranh thờ.

Dưới nước người ta kết 4 thuyền với nhau lót ván sàn thành một sân gỗ rộng, trên đặt bàn thờ. Các đồ đặt lễ vật, hương đèn đều bằng nứa, hương cắm vào những khúc chuối. Trên bàn thờ có con lợn luộc đặt trong mâm và xôi gà, trầu rượu đặt trong một mâm khác. Các chủ thuyền đều đưa đến cúng mỗi nhà một mâm oản. Trong rạp cũng như trên thuyền, cỗ bàn đều đặt hướng đông, thầy cúng cùng mọi người ngồi hướng tây, ngoảnh mặt ra biển. Trống chiêng nhã nhạc nổi lên, lễ tế được tiến hành nghiêm trang, kết thúc lễ tế là cuộc đua thuyền.

(Nguồn: saigontoserco.com)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *