Sự kiện ngành

Cần thay đổi tư duy mạnh mẽ về du lịch

Nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy làm công tác du lịch thì chúng ta dù có tăng trưởng 2 con số cũng sẽ thua các nước bạn trong khu vực” - ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thẳng thắn chia sẻ.

Năm 2013 đã khép lại với tin vui cho ngành du lịch: đón 7,5 triệu lượt khách quốc tế, cán đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Với thành tích đó, ngành du lịch được coi là điểm sáng ấn tượng của nền kinh tế vốn đang ảm đạm trong 2 năm trở lại đây. Hòa trong không khí ngày xuân, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường, người phát ngôn của Tổng cục Du lịch đã chia sẻ thẳng thắn về những thành quả, tồn tại của năm 2013 cũng như thách thức của ngành du lịch trong năm 2014.

Một năm thành công của ngành du lịch

Năm 2013 là một năm nhiều khó khăn đối với tất cả các lĩnh vực, song ngành du lịch vẫn được coi là điểm sáng của nền kinh tế với việc đón trên 7 triệu lượt khách quốc tế. Ngoài thành tích ấn tượng đó, xin ông cho biết ngành du lịch trong năm qua còn có điều gì đáng ghi nhận?

Có thể nói những thành quả năm 2013 là sự kế thừa của những nỗ lực của toàn ngành từ những năm trước đây. Với việc đạt 7,5 triệu lượt khách quốc tế, ngành du lịch đã cán đích trước 2 năm so với kế hoạch. Đây là kết quả rất ấn tượng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Thành công thứ hai của ngành du lịch trong năm 2013 là lần đầu tiên đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh và ra Tuyên bố Ninh Bình về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững, thu hút sự quan tâm của các chuyên gia du lịch trên thế giới.

"Chúng ta trước đây chỉ khai thác, tận thu khi làm du lịch, nhưng giờ đã biết “làm hôm nay để giữ ngày mai”. Đây là sự thay đổi về tư duy nhận thức rất đáng mừng" - ông Nguyễn Mạnh Cường- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định.

Thứ 3 là ngành du lịch đã tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia sông Hồng – Hải Phòng 2013. Bên cạnh đó là rất nhiều sự kiện chúng ta tổ chức thành công sau 3 năm như: Hội thi Hướng dẫn viên du lịch giỏi toàn quốc, Hội thi Lễ tân toàn quốc và một số sự kiện khác đã góp phần làm thay đổi diện mạo cũng như hoạt động du lịch tại các tỉnh trên địa bàn, nhất là tại Hải Phòng. Đã có sự thay đổi rất lớn về nhận thức, hành động, chỉ đạo, đầu tư và các sản phẩm du lịch… Dù chưa được như mong muốn nhưng rõ ràng đây là sự thay đổi vượt bậc và cho thấy các địa phương đã có sự liên kết hợp tác tốt hơn.

Cũng trong năm 2013, lần đầu tiên chúng ta xây dựng được Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là văn bản pháp lý hết sức quan trọng để các địa phương căn cứ vào đó để quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển chung của đất nước. Trước nay, chúng ta vốn quy hoạch manh mún, không khớp nối và chúng ta đang phải trả giá.

Chính phủ đã có nhiều cuộc chỉ đạo thông qua giao ban trực tuyến về những vấn đề nóng hổi về an ninh an toàn, quản lý doanh nghiệp, vấn đề bảo đảm phối hợp bộ ngành, đề xuất những chính sách liên quan, tháo gỡ khó khăn… Tuy chưa có nhiều thay đổi đột phá nhưng đã có những tác động trở lại. Thậm chí có những kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu kéo dài và duy trì những chính sách trước đây dự kiến thay đổi như hủy dừng miễn visa… Tất cả những động thái này tác động trực tiếp đến hình ảnh đất nước Việt Nam, không chỉ về du lịch mà còn lĩnh vực kinh tế,chính trị, văn hóa, xã hội…

Đặc biệt, năm 2013 đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức du lịch và cần đầu tư cho nó. Chúng ta bắt đầu ý thức hơn đến du lịch có trách nhiệm với môi trường xã hội, du lịch bền vững… Chúng ta trước đây chỉ khai thác, tận thu khi làm du lịch, nhưng giờ đã biết “làm hôm nay để giữ ngày mai”. Đây là sự thay đổi về tư duy nhận thức rất đáng mừng. Tuy nhiên, ngành du lịch còn phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn. Những thành tích nói trên góp phần làm nên thành công của ngành du lịch trong năm 2013.

Vậy nếu thẳng thắn nhìn nhận thì còn những vấn đề gì mà ngành du lịch chưa làm được khiến ông trăn trở, thưa ông?

Thực tế là hiện nay vấn đề điều hành và sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương còn nhiều điều đáng bàn nên mới có những vấn đề tồn tại mãi không giải quyết triệt để được. Ví dụ, cơ chế điều hành nguồn vốn vẫn theo kiểu “chia bánh” mà không tính đến hiệu quả. Đấy là tư duy cũ. Lẽ ra mỗi năm chúng ta nên dành đầu tư hoàn chỉnh cho một việc, một khu cho hoàn thành và đưa vào vận hành rồi mới tính đến khu vực khác. Hiện nay Quỹ xúc tiến du lịch rất thiếu, lại chậm ban hành, qua nhiều nấc, chia nhiều bộ phận không chuyên ngành… gây lãng phí và không hiệu quả. Đây không phải là lỗi khách quan mà là lỗi của nhà lãnh đạo.

Du lịch là một ngành kinh tế thì phải áp dụng và vận hành theo quy luật kinh tế chứ không được áp đặt nó theo quy luật của văn hóa xã hội. Hiện nay ngay cả một số cơ quan truyền thông cũng đưa du lịch vào mục văn hóa hay xã hội, chẳng nhẽ chỉ vì đây là Bộ đa ngành? Nhiều nước trên thế giới cũng có Bộ đa ngành như nước ta nhưng họ có cách ứng xử khác với Du lịch. Có những lĩnh vực phải nghiên cứu sâu và kỹ, nhưng hoạt động Du lịch ứng dụng trong môi trường cần phải quyết đoán, kịp thời và tranh thủ thời cơ.

Rõ ràng chúng ta cần phải có sự thay đổi tư duy mạnh. Bởi thực tế chúng ta còn quá chậm, chậm phát triển hơn một số nước bên cạnh chúng ta. Nếu không có sự thay đổi thì chúng ta dù có tăng trưởng 2 con số nhưng chúng sẽ thua các nước bạn trong khu vực chỉ trong một vài năm nữa thôi và điều này đã nhãn tiền.

Ngành du lịch phải đương đầu với những thử thách không đơn giản! Du lịch là lĩnh vực nằm trong Bộ liên ngành, một mình ngành du lịch không thể làm được. Phải có sự phối hợp đồng bộ quyết liệt và người tâm huyết có trách nhiệm đứng ra xử lý.

Xét một cách công tâm thì ngành du lịch dù đạt những tăng trưởng về lượng khách, song những vấn đề còn tồn tại của ngành như đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách; hiện tượng chèo kéo du khách; thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn…. vẫn chưa được kiểm soát và xử lý rốt ráo. Vậy ông có kỳ vọng trong năm 2014 những vấn đề này sẽ được cải thiện đáng kể hay không?

Chúng ta đang vừa đặt ra những những yêu cầu rất cao nhưng những bước đi hiện tại lại chưa nhìn thấy rõ, giống như một cái bóng đèn không nhìn thấy bóng chân của mình. Thế nên những sơ suất, lỗi nhỏ, hoặc rất nhỏ thôi thường bị chúng ta bỏ qua, ví dụ như câu chuyện về nhà vệ sinh. Thực ra yêu cầu về nhà vệ sinh đạt chuẩn là yêu cầu tối thiểu, nhưng vì chúng ta quen với nếp sống của người nông dân nên xem nhẹ chuyện đó.

Nhưng trong chuyện phát triển du lịch thì đây lại là một trong những vấn đề cần giải quyết đầu tiên. Vậy nên chúng ta phải thay đổi từ nhận thức, hành động, đầu tư và phải làm một cách quyết liệt. Theo tôi để giải quyết những vấn đề này thì chúng ta phải tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, gắn với lợi ích của doanh nghiệp và cộng đồng. Phải để cho doanh nghiệp và cộng đồng thấy được nếu đầu tư và tham gia vào thì sẽ được hưởng lợi ích như thế nào? Kể cả trong chuyện "chặt chém" du khách cũng vậy, chúng ta đã có Nghị định 18 của Thủ tướng chính phủ, hiện nay đang làm quyết liệt. Chúng ta sẽ tăng cường, kiểm tra liên tục, tăng cường chế tài và triển khai thật nghiêm minh thì dần dần sẽ giảm bớt những tiêu cực.

Tuy nhiên để loại bỏ những vấn nạn này thì không thể chỉ trông chờ vào trách nhiệm của riêng ngành du lịch mà cả xã hội phải vào cuộc. Từ Trung ương đến địa phương, các bộ ngành đều phải thấy trách nhiệm của mình trong đó và xắn tay vào cùng giải quyết, trong đó vai trò địa phương vẫn là quan trọng nhất.

 

Ngành du lịch đặt mục tiêu năm 2014 sẽ thu hút khoảng 8 triệu lượt du khách quốc tế và 40 triệu lượt khách du lịch nội địa
Ngành du lịch đặt mục tiêu năm 2014 sẽ thu hút khoảng 8 triệu lượt du khách quốc tế và 40 triệu lượt khách du lịch nội địa.

 

Sẽ huy động nguồn lực từ “khách” để quảng bá du lịch

Vậy với hai sự cố lớn gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam trong năm 2013 là “treo nhầm ảnh Lạc Sơn Đại Phật” tại Hội chợ ITB – Berlin 2013 và vụ gần 700 du khách Việt bị bỏ rơi tại Thái Lan, theo ông, đây có phải trách nhiệm của ngành du lịch và ngành du lịch đã rút kinh nghiệm gì từ hai sự cố đáng tiếc này?

Xã hội ngày càng phát triển thì chúng ta càng phải đối mặt nhiều thử thách. Pháp luật không cho phép giết người, ăn trộm ăn cắp nhưng vẫn xảy ra những tội ác như vậy… Chúng ta đang phải đối mặt với những vấn đề của xã hội phát triển.

Sự cố công ty Travel Life bỏ rơi 700 khách là sự cố tình vi phạm pháp luật thì đã có pháp luật xử lý. Điều đó ngành du lịch không mong muốn nhưng đó cũng không phải lỗi của ngành du lịch. Đó là một trong những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển mà chúng ta phải cương quyết để lập lại trật tự. Sự cố treo nhầm ảnh cũng vậy. Đây là một sự cố đơn giản nhưng truyền thông đã đẩy lên như một vấn đề quá lớn bởi ngay sau khi phát hiện, bức ảnh đó đã được dỡ ngay. Đương nhiên ngành du lịch với trách nhiệm của mình không bao giờ đứng ngoài cuộc khi sự cố xảy ra.

Ngay như vụ lái xe taxi lừa du khách nước ngoài, đó cũng không phải là tội hay trách nhiệm của ngành du lịch nhưng lãnh đạo Tổng cục Du lịch đã đến tận nơi xin lỗi vì tinh thần trách nhiệm với ngành, với quốc gia này và với những vị khách nước ngoài. Ngay cả một người dân bình thường cũng có trách nhiệm xin lỗi các vị khách nước ngoài nếu như họ đến nước mình mà mình làm sai. Không nên đổ tất cả trách nhiệm cho ngành du lịch, như thế là không công bằng.

Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thử thách thì chúng ta cần có cách giải quyết để hướng tới sự chủ động hơn, tốt đẹp hơn. Trong đó các cơ quan truyền thông đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, tôi thấy buồn khi báo chí khai thác nhiều những chuyện tiêu cực, câu khách, giật gân, trong khi đó những tấm gương người tốt việc tốt thầm lặng, hy sinh cả cuộc đời mình thì ít ai nhắc đến. Chúng ta lên án những hành động xấu nhưng không có nghĩa là đẩy vấn đề lên quá. Ngành du lịch cũng không ngoại lệ.

Ngoài những vấn đề đã đề cập ở trên, tôi nhận thấy rằng câu chuyện xúc tiến, quảng bá du lịch dường như vẫn là bài toán khó mà ngành du lịch chưa tìm thấy lời giải trong năm 2013?

Hàng năm, Nhà nước dành khoảng 1-1,5 triệu đô la cho ngành du lịch thực hiện công tác xúc tiến. Thực tế số kinh phí này chỉ bằng một phần rất nhỏ so với các nước trong khu vực, vì vậy chúng ta bị mất lợi thế về công tác quảng bá xúc tiến.

Gần đây có nhiều ý kiến cho rằng nên huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai công tác xúc tiến và Tổng cục Du lịch đã đề xuất, lấy ý kiến của doanh nghiệp để làm sao lấy nguồn lực từ chính những vị khách để triển khai công tác xúc tiến. Việc này đã được nhiều quốc gia triển khai thực hiện, Ý thu 3 euro/1 khách/1 đêm (tương đương 4,5 đô la), các nước như Mỹ, Hồng Kông, Thái Lan cũng triển khai lâu rồi.

Trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, phải thắt chặt chi tiêu thì đây là một giải pháp khả thi để chúng ta triển khai tốt công tác quảng bá, nâng cao hiệu quả xúc tiến cho tốt. Tuy nhiên, theo tôi, tiền không phải là vấn đề quan trọng nhất, mà chính là con người, bởi xét cho cùng thì con người quyết định tất cả.

Ông đã từng nói rằng du lịch Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn là sự cạnh tranh gắt gao của các nước trong khu vực. Vậy theo ông, ngành du lịch Việt Nam phải làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn và đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay?

Chúng ta phải thay đổi cách làm, không phải chỉ làm cho trước mắt mà phải nghĩ cho lâu dài, không phải chạy theo số lượng mà cần nâng cao chất lượng, không đi vào chiều rộng mà đi vào chiều sâu. Để làm được điều đó thì trước hết ta phải có sản phẩm du lịch tốt. Bởi vì sản phẩm là cái quyết định xem người ta có mua hay không, có đủ sức cạnh tranh hay không!

(Nguồn:
Toquoc.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *