Sự kiện ngành
Hội nghị tổng kết công tác ngành Du lịch năm 2016
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Hội nghị có sự hiện diện của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, lãnh đạo Tổng cục Du lịch, các cơ quan trực thuộc Bộ VHTTDL; lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch cùng toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức của Tổng cục Du lịch.
Năm 2016, ngành Du lịch phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực vượt qua khó khăn, hoạt động du lịch năm 2016 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Lượng khách và tổng thu từ khách du lịch năm 2016 tăng trưởng mạnh, du lịch Việt Nam đã đón được hơn 10 triệu khách du lịch, tăng 26,0% so với năm 2015; phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2016 đạt 2 mốc ấn tượng, đó là: tổng số khách nhiều nhất trong một năm (10 triệu lượt khách) và mức tăng tuyệt đối trong một năm nhiều nhất so với cùng kỳ năm trước (trên 2 triệu lượt khách). Ngày 25/12 vừa qua, tại Phú Quốc, ngành Du lịch đã tổ chức đón vị khách quốc tế thứ 10 triệu đến Việt Nam trong năm 2016.
Đáng chú ý, trong năm 2016, Quốc hội đã nhất trí cho điều chỉnh, bổ sung Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Bộ Chính trị đã họp và nhất trí sẽ ban hành Nghị quyết phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vào tháng 8/2016, tại Hội An, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch.
Một điểm nổi bật trong năm, Tổng cục Du lịch đã triển khai chiến dịch nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú với việc tổ chức 16 hội nghị quán triệt chủ trương với sự tham gia của 47 tỉnh, thành, tiến hành tổng kiểm tra cơ sở lưu trú tại 22 tỉnh, thành là địa bàn du lịch trọng điểm, nhắc nhở và thu hồi hạng sao một loạt khách sạn từ 3-5 sao. Song song với đó, Tổng cục Du lịch đã hỗ trợ các đơn vị cơ sở lưu trú trong công tác đào tạo nhân sự, nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng.
Toàn cảnh hội nghị
Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được đẩy mạnh với nhiều hoạt động được tổ chức thành công như 3 hội chợ du lịch lớn trong nước (VITM Hà Nội, ITE TP. Hồ Chí Minh và BMTM Đà Nẵng), Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao với việc thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về Du lịch và Thể thao vì sự phát triển bền vững; tham gia 10 hội chợ du lịch quốc tế tại nước ngoài, tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại 16 thành phố của Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Bộ VHTTDL đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam triển khai thực hiện chương trình quảng bá về du lịch (VTVtrip), đẩy mạnh các hoạt động e-marketing.
Tổng cục Du lịch đã phối hợp tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2016 – Phú Quốc – Đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ các tỉnh miền Trung phục hồi hoạt động du lịch sau khi bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, thông qua nhiều hoạt động khảo sát, định hướng phát triển sản phẩm, quảng bá, tuyên truyền về môi trường du lịch an toàn nhằm thu hút khách du lịch; tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước trong lữ hành, lưu trú du lịch, hợp tác quốc tế, quy hoạch…
Hoạt động du lịch tại các địa phương diễn ra rất sôi nổi với các sự tăng trưởng ấn tượng về lượng khách và tổng thu từ khách du lịch tại một số địa phương tiêu biểu như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Hải Phòng… Đầu tư vào du lịch tăng cả về số lượng và chất lượng với nhiều dự án lớn từ các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Vin Group, Mường Thanh, Vina Capital… Các địa phương cũng đã nỗ lực gắn kết, hợp tác phát triển, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Nhiều doanh nghiệp du lịch được thế giới bình chọn, vinh danh, nổi bật là InterContinental Danang Sun-Peninsula Resort 3 năm liên tiếp được vinh danh là khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Du lịch vẫn cần nỗ lực hơn nữa để khắc phục một số hạn chế về chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh, nguồn nhân lực, quản lý hoạt động khách du lịch, hướng dẫn viên.
Trong năm 2017, ngành Du lịch sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, ban hành; triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Năm APEC 2017....
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chúc mừng và biểu dương những thành tựu mà ngành Du lịch đã đạt được trong năm qua, đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế đất nước trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành Du lịch cần tập trung xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển du lịch. Tăng cường phối hợp liên ngành để phát huy vai trò là một ngành kinh tế tổng hợp, tiếp tục nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của du lịch. Tổng cục Du lịch tiếp tục tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú và doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nhằm tạo thêm niềm tin cho khách du lịch ở trong và ngoài nước. Đồng thời, đặc biệt chú ý đến công tác truyền thông, xây dựng những chiến dịch tuyên truyền bài bản để đạt được hiệu quả, có sức lan tỏa cao.
Nguồn: TITC
Ý kiến của bạn
Sự kiện ngành khác
- Họp Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch
- Hà Nội thu hút du khách bằng môi trường văn minh, thân thiện
- Xác định rào cản trong thương mại dịch vụ
- Thứ trưởng Vương Duy Biên tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ
- Tăng cường hợp tác du lịch Việt Nam - Pháp
- Tăng cường hoạt động của các Hiệp hội Du lịch
- Đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam tới người dân Australia
- Quảng bá du lịch Việt Nam tại Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc)
- Công bố Quy hoạch du lịch Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch