Ẩm thực Việt Nam

Ẩm thực nhà sàn Tây Bắc

 Trong các chuyến du lịch lên Tây Bắc, một trong những điều khiến du khách vô cùng thích thú chính là ẩm thực nhà sàn. Du khách không chỉ được thưởng thức những món ăn thơm ngon, lạ miệng mà còn được hưởng một khung cảnh thanh bình, nên thơ.


Những bài hát mời rượu (khắp mơi lẩu - tiếng Thái), hoà cùng những cung bậc vui tươi trong trẻo của đàn tính nẩy lên cùng tiếng rừng du dương huyền bí. Du khách như được sống giữa miền cổ tích. Tất cả cộng hưởng thăng hoa trong các giác quan, đem lại cho du khách những phút giây sảng khoái và ấn tượng khó phai khi tạm biệt.

 Các dân tộc ở Tây Bắc đều có các món ăn độc đáo: Xôi nếp ngũ sắc, cơm lam, gà nướng (cáy pỉnh), gà xôi (cây mọ), măng, rau rừng, chim, hoa rừng, rêu suối…

 

Những món này đều có thể tìm được ở các nhà hàng sang trọng ở các đô thị, song khi thưởng thức, du khách vẫn còn thiếu một cái gì khó tả.

 

Những bản người Tày, người Thái thường quần tụ nơi đất rộng ven suối. Rừng xanh trùng điệp, muôn hoa khoe sắc đưa hương. Đây đó tiếng chim rừng xao xuyến trong vòm lá. Tiếng suối reo, tiếng gió vi vu… Tất cả đều đắm say trong bản hoà tấu của rừng xanh.

 

Những ngôi nhà sàn một gian hai chái trông giống như con rùa gợi sự ấm áp. Truyền thuyết của dân tộc Thái kể rằng trời cho thần rùa xuống dạy người làm nhà để trú ngụ.

 

 
 
 
 

Người Tây Bắc vốn rất tài hoa trong việc chế biến thức ăn. Sản vật của núi rừng được bàn tay các sơn nữ thổi hồn bỗng thêm hương sắc. Bữa cơm đơn sơ mộc mạc nhưng thấm đượm tình người.

 

Cơm lam được làm từ nếp ngon, cho vào ống nứa bánh tẻ, đốt trên lửa cho đến khi chín.

Miếng cơm lam thơm phức, dẻo và đậm, càng nhai lâu càng thấy ngon.

 

Xôi nếp ngũ sắc vốn dùng nguyên liệu là nếp ngon. Được nếp Tú Lệ (Văn Chấn - Yên Bái) thì tuyệt nhất. Đồng bào địa phương ngâm gạo với nước ngâm các loại lá để có các mầu xanh, đỏ, vàng… Đĩa xôi như mặt đất và bầu trời với ý nghĩa âm dương giao hoà, chuyên chở bao ước mơ, khát vọng.

 

Gà nướng hoặc gà xôi bao giờ cũng là gà nhảy ổ, đấy là lúc gà béo nhất mà thịt lại mềm. Cách nướng cũng độc đáo, gà mổ sạch, ướp gừng, sả, lá thơm, hạt sẻn (mák khén - tiếng Thái) rồi nướng than. Bí quyết là khi nướng phải vừa xoay đều tay vừa quạt nhẹ, thỉnh thoảng dùng lông gà phết mỡ lên thân gà, có thế gà mới chín đều, vàng và thơm ngậy. Món không thể thiếu là cá. Đây là món được dùng cùng món gà để đãi khách quý. Những chú cá chắc lẳn sống trong dòng nước xiết được chế biến thành rất nhiều món ngon. Đôi khi còn có cả thịt gà rừng, thịt sóc, dúi…

 

Các món rau cũng không kém phần hấp dẫn. Rau cải nương ngọt dịu. Bẹ chuối rừng bùi bùi đậm đà. Rêu đá nấu canh hay trộn gia vị rồi nướng đều vô cùng hấp dẫn. Món hoa ban nấu canh hoặc xào đều ngọt ngào và thơm dịu. Rêu đá và hoa ban là hai món ăn của người Thái có tính truyền thống, được dùng trong hội cưới, chuyên chở cả câu chuyện tình chung thuỷ và khát vọng ấm no, hạnh phúc…

 

Bữa cơm bình dị nhưng ấm cúng, là kết tinh những tinh hoa của núi rừng Tây Bắc và bàn tay tài hoa cùng tấm lòng rộng mở của người nơi đây chân chất, nồng hậu và hào hoa.

 

Nâng chén rượu thơm đôi tay ngà dịu dàng mời cạn, du khách như tan trong tiếng hát mời rượu (khắp mơi lẩu - tiếng Thái):

 

 
 
 
 
“Xin cạn chén rượu thơm

 

Ta nhớ mãi về nhau

Em lựa hạt nếp thơm

Ủ tình em thành hương

Ủ tình em thành rượu

Đừng sợ say

Đây là chén rượu tình

Đón khách phương xa tới

Người ơi!”

 

Men rượu lâng lâng, ngoài kia ngàn xanh như hoà cùng giọng hát. Vị ngọt ngào dâng mãi không tan. Từ lúc nào khách đã hào hứng vỗ tay hoà cùng giọng hát:

                                                             “Inh lả lơi

Xao noọng ơi!”

Nhà sàn trở thành nơi múa xoè, mọi người nắm tay nhau nồng say trong điệu dân vũ.

 

Bữa cơm đãi khách của người Tây Bắc như vậy đó, dân tộc mà hiện đại biết bao./.
Nguồn: website Yên Bái

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *