Ẩm thực Việt Nam
Bánh đa dừa Thổ Hà, Bắc Giang
Bánh đa Thổ Hà có 2 loại: bánh đa vừng và bánh đa dừa, mà đặc sản là loại bánh đa dừa ngọt cao cấp. Để làm bánh đa dừa rất công phu, ngay từ việc chọn nguyên liệu. Đầu tiên, gạo làm bánh đa dừa phải là loại gạo ngon, vừng trắng được đãi kỹ, không sạn. Lạc chọn loại già, nhân to, mẩy, dừa già, cùi dày, và sau cùng là đường kính hoặc đường phên.
Trước tiên, người ta ngâm gạo 1-2 tiếng để ráo nước, sau đó đổ vào cối xay, vừa xay vừa đổ nước, để nước có độ vừa phải không loãng mà cũng không đặc quá. Sau đó lọc bột bằng vải. Trước khi tráng, người ta đun chảy đường hòa với bột cho đều.
Các nguyên liệu khác được sơ chế như sau: Vừng đem ngâm, xát vỏ; Lạc nhân thái thật mỏng sau đó xẩy sạch vỏ; Dừa nạo sợi dài, mỏng.
Cuối cùng là công đoạn tráng bánh:
Đổ nước sạch vào nồi khoảng 2/3 dung tích. Khi đun, lửa phải giữ ổn định trong suốt qúa trình tráng bánh. Khi nước sôi để khuôn lên miệng nồi múc một muôi bột đổ lên khuôn, dùng muôi dàn đều trên mặt khuôn. Đối với bánh đa thông thường chỉ cần tráng một lần là được, nhưng với bánh đa dừa khi tráng lần thứ nhất rắc đều vừng, lạc, dừa lên mặt bánh. Sau đó tiếp tục múc một muôi bột nữa đổ lên láng đều kín nhân, đậy vung lại khoảng 1-2 phút mở vung ra, lúc này bánh đã chín, dùng ống nứa lấy bánh ra trải vào phên tre.
Nếu như người làng bánh đa Kế cho cơm nguội, khoai lang, thì người Thổ Hà cho thêm một ít bột mỳ để bánh có độ xốp giòn, kết hợp với vừng, lạc, dừa tạo cho bánh có vị thơm ngon, hấp dẫn. Bánh khi phơi phô xong được cất vào cót theo từng chồng.
Người làm bánh đa ở đây không phải đem bán mà đều có người đến lấy tận nhà. Bánh đa Thổ Hà đã theo chân thương lái đến nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, như một món quà của ngôi làng ven sông Cầu thơ mộng.
(Nguồn: VnExpress)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch