Ẩm thực Việt Nam
Bánh dầy Quán Gánh, Hà Nội
Người già trong vùng kể lại, Quán Gánh trước đây sầm uất nghề làm bánh dầy. 3-4 giờ sáng đã đỏ lửa, êm êm tiếng chày quen thuộc. 6-7 giờ sáng, bánh đã xong xuôi, chợ trên chợ dưới í ới tiếng người hỏi bánh.
Có tận mắt chứng kiến từ đầu đến cuối một gia đình làm bánh dầy ở Quán Gánh mới thấu hiểu hết nỗi niềm của những gia đình đã mai một nghề này. Chiếc bánh trắng, dẻo thơm, bọc trong tấm lá dong xanh mướt trên tay người mua có giá chưa đến 3000 đồng, phải qua ngót nghét 20 công đoạn. Trừ lúc giã xôi làm bằng máy, còn lại, toàn bộ làm thủ công.
Làm bánh dầy, phải ngâm gạo, ngâm đỗ, cắt, rửa, hong khô lá dong từ đêm trước, 3 giờ sáng hôm sau, cả nhà đã dậy. Người thổi xôi, người đánh đậu xanh, người viên nhân. Xôi đồ xong, cho xuống máy giã, nhưng cũng cần hai người to khỏe xoay tấm bao ở dưới, để giã cho đều. Bột dẻo, là “vào vỏ bánh”- nhồi nhân đậu vào giữa. Từ lúc xong bột, đến lúc thành bánh cũng qua 5 bước, vào vỏ, lật bánh, hong khô, xoa mỡ, gói lá.
Bánh chay làm đơn giản hơn. Chỉ cần nặn tròn, xoa mỡ. 3 người nặn, gói nhanh thoăn thoắt cho kịp mẻ bánh đặt hàng hay kịp phiên chợ sớm.
Bánh dầy Quán Gánh cần gạo nếp thật trắng, thật thơm, đồ xôi thật dẻo (cái này rất cần người có kinh nghiệm). Người thợ trông máy giã xôi luôn nhìn đồng hồ trước mặt để căn chuẩn thời gian. Đậu xanh đánh nhuyễn, trộn với đường, dừa, vừng, hay mỡ phần, hạt tiêu cho dậy mùi cay thơm. Viên tròn nhân lại rồi nhồi vào vỏ bánh.
Bánh dầy Quán Gánh giờ đây không chỉ có mặt ở Hà Tây, Hà Nội. Tiếng lành đồn xa, thức quà ngon đất trăm nghề đã vươn tới Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam… qua đơn đặt hàng. Bánh dầy Quán Gánh, thức quà quê giản dị không chỉ dành để biếu, để làm quà, mà trong mâm cỗ cưới, hỏi, ma chay cũng thấp thoáng viên bánh trắng tinh, thơm thảo.
(Nguồn: Báo Lao Động)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch