Ẩm thực Việt Nam
Bánh tro
Tết Đoan Ngọ và tục làm bánh tro xuất phát từ Trung Quốc. Nhưng ngày nay nó đã phổ biến ở nhiều nơi, và ở phiên chợ quê nào cũng có thứ bánh này. Nhiều nơi còn gọi nó là bánh âm. Nhìn chiếc bánh tro tưởng làm đơn giản nhưng quy trình cũng như kỹ thuật làm bánh thì rất cầu kỳ, không khéo tay và không có kinh nghiệm sẽ không làm được.
Dùng lá tre bương, lá dong, sậy… để gói bánh. Để gói bánh tro nhất thiết phải có tro bếp. Người dân quê tôi thường lấy tro bếp là tro của củi và rơm hoặc có thể dùng vôi thay tro. Tro để nguội, đem sàng và lấy phần tro mịn hòa với nước cho tan và để lắng. Chắt lấy phần nước trong đem ngâm gạo nếp trước 1 ngày (nếp không bị lẫn tạp thì bánh sẽ thơm và dẻo hơn).
Không nên ngâm gạo quá lâu, khi đó bánh sẽ bị nồng. Ngâm khi nào ta lấy 2 đầu ngón tay ve hạt gạo thấy nó vụn là được. Trước khi vớt gạo gói bánh cần phải xả với nước thật sạch và để ráo.
Để gói bánh, cuốn một đầu lá thành hình phễu, múc 1 ít nếp đổ vào. Sau đó tiếp tục gấp hết phần còn lại của lá chung quanh khối hình phễu thành một khối tam giác cho thật kín. Dùng dây chuối hoặc dây rứa cột lại thành một hình chữ thập cho chắc.
Gói được mười cái thì xâu lại thành một xâu với một sợi dây thòng lọng ra ngoài xâu bánh để có thể nhấc cả xâu bánh dễ dàng khi cho bánh vào và lấy ra khỏi nồi luộc. Có người còn gói bánh theo dạng hình trụ dài như bánh tẻ.
Sau khi gói bánh xong thì cho vào nồi luộc, cần lót dưới đáy nồi một lớp lá tre hay lá chuối cho khỏi sít nồi. Dùng một rổ lớn đậy lên bánh, lấy một vật nặng đè lên rổ vừa để bánh không nổi lên khi đổ nước vào. Cho nước ngập hơn bánh ít nhất khoảng 15-20cm.
Khi nồi nước sôi mà nước cạn thì đổ thêm nước sôi vào. Sau khi nước sôi một lát là bánh chín. Tiếp đó vớt bánh ra, ngâm vào thau nước lạnh chừng mươi phút để bánh mau nguội, rồi treo lên cho bánh mau khô lá.
Khi bóc bánh, sẽ thấy một khối bột trong mịn như một khối ngọc thạch, có màu nâu nâu ánh lên như màu mật ong, trông thật đẹp và hấp dẫn. Chạm vào bánh có cảm giác mát tay. Bánh chỉ được làm từ gạo ngâm nước tro nên ăn rất nhạt. Nhưng khi chấm bánh vào đường cát, mật mía, hay mật ong thì trở thành một món bánh rất ngon. Do đó, ăn bánh tro không thể thiếu thứ nước này.
Bánh tro là thứ bánh âm tính, ăn lành, không có nhân thịt, mỡ nên dễ tiêu, hương vị ngọt ngào, vị dẻo thơm của nếp, mùi thơm quyến rũ của nước mật và cảm giác mát dịu sẽ giúp ta thanh nhiệt, giải độc vào mùa hè.
Ngày nay, bánh tro được coi như một thứ quà quê của người Hà Nội. Cứ vào mỗi buổi sáng hay chiều, ta lại thấy những gánh hàng bán rong đi quanh con phố cổ và những tiếng rao rất đỗi quen thuộc mỗi ngày.
Tết Đoan Ngọ cũng sắp đến, người ta lại háo hức tới ngày đó để được thưởng thức hương vị thơm mát của bánh tro và cùng nhau đón tết rộn ràng.
(Nguồn: Báo Lao Động)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch