Ẩm thực Việt Nam
Thịt lợn muối chua xứ Mường
Nói đến thịt lợn thì có lẽ không đâu ngon bằng vùng cao bởi lợn thường được thả trên đồi, trên núi nuôi tự nhiên nên thịt rất ngon và ngọt. Từ thịt lợn rừng, lợn đồi người ta có thể chế biến bao nhiêu món ngon như thịt lợn thui, thịt lợn nướng, heo quay, heo gác bếp…nhưng cũng thịt lợn ấy đem muối chua thì chỉ có trong phong tục của người Mường mới có.
Món thịt lợn muối chua được làm rất kỳ công và kết hợp với rất nhiều loại lá rừng, tất cả đều là những sản vật sẵn có dễ tìm và mỗi thứ lá được xem là bài thuốc quý rất lợi cho cơ thể như lá quế, lá mít, lá trầu không…Ấn tượng ban đầu khi khách tới nhà được người Mường bê ra một mâm thịt lợn muối chua với một rổ lá, khi ăn phải dùng tay cuộn lá với thịt, nhai chậm rãi rất bùi, thơm ngọt, ăn rất lạ miệng.
Để có được thịt lợn muối chua ngon phải chọn được những con lợn choai, thả dông dài ngày như thế thịt sẽ chắc, muối chua sẽ không bị ướt, ăn sẽ ngọt thịt hơn. Nhưng cầu kỳ hơn cả là chế ra được các nguyên liệu để làm men muối thịt. Thịt lợn được thái miếng ướp với nhiều muối và giềng khô giã nhỏ, rồi trộn với rượu nếp cái và men lá rừng. Phải trộn đều tay, để thịt lợn ngấm được tất cả các gia vị tẩm ướp.
Gạo đem rang khô, nẩy tanh tách rồi giã nhỏ thành bột tấm thơm phức. Người ta đem ủ thịt vào một cái bồ, dưới bồ lót lá chuối, rải lớp gạo rang giã dập trộn muối, sau đó xếp cứ một lớp thịt ướp nguyên liệu ở trên, một lớp gạo rang cho đến khi đầy bồ rồi nén lại đem gác lên bếp củi đun. Chỉ một đến hai tuần, các men lá, men rượi và giềng sẽ ngấm đậm đà vào từng thớ thịt lợn, chua chua mặn mặn.
Thịt lợn muối chua đủ độ phải giữ được màu sắc tươi của thịt, màu vàng ươm của thính gạo rang ôm chặt lấy từng miếng thịt trông rất hấp dẫn. Miếng thịt muối chua phải có vị bùi của thịt, ngậy của bì, chua của men rừng, mặn của muối, thơm của thính gạo. Cuốn một miếng thịt muối chua vào trong một lớp lá rừng có vị bùi bùi, cay của giềng, thơm của húng quế, chát xít của lá mít và trầu không, vị chua ngọt hòa lẫn mặn ăn rất lạ miệng. Nhiều người lần đầu ăn thấy gai gai vì lạ vị của lá rừng, nhưng càng ăn đến miếng thứ hai, thứ ba lại muốn cuốn ăn thêm miếng nữa.
Ngày nay, món ăn này đã trở thành thương hiệu mà chỉ có người Mường mới có được bởi thứ men lá, men rượu. Nếu ai từng đến với xứ Mường đặc biệt ở Hòa Bình hẳn sẽ tìm mua ăn cho bằng được món ăn đượm chất dân tộc truyền thống này.
(Nguồn: Báo Lao Động)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch